Sài Gòn thân thương

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nơi đây không biết từ lúc nào đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong trái tim nhỏ bé của mình. Sài Gòn là tiếng gọi thân thương, dẫu cuộc sống có cuốn người ta bằng bao nhiêu vòng xoáy cực nhọc ngoài kia, thì nó vẫn luôn ở yên đó, như bao lâu nay đã từng.

Mình hay rủ rê chúng bạn: “Cuối tuần này vào Sài Gòn chơi/ Vào Sài Gòn mua sắm/ Vào Sài Gòn ghé chỗ này chỗ kia”. Trong ngôn ngữ và lời nói hằng ngày, mình bó hẹp Sài Gòn lại thành một cụm nhỏ, tính từ lúc bắt đầu vượt qua khỏi con đường Cộng Hòa, hướng về mé Hoàng Văn Thụ vào sân bay, xuôi dọc con đường Hoàng Sa – Trường Sa nơi bờ kênh Nhiêu Lộc, thẳng tiến đến trung tâm thành phố. Chính bởi vì, những quận nội thành luôn rực rỡ và phồn hoa, đèn hiệu và tiếng động cơ xe luôn ngày đêm nhộn nhịp. Sài Gòn của quận 1, quận 3 hầu như không ngủ với rất nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại và hàng loạt tòa nhà chọc trời, mọc lên để soán ngôi cao nhất của nhau.

Nhưng mà với mình, Bình Chánh, Củ Chi, các quận huyện vùng ven, các toà nhà cao tầng hay các khu dân cư nhỏ hẹp đều khiến mình yêu mến cả. Mình yêu Sài Gòn trong thực tế, Sài Gòn mà được chấp nhận trên bản đồ địa lý. Cho dù nơi đó là hoa hay là lệ, thì con người và cảnh vật thuộc về Sài Gòn đều có thể làm mình bất chợt ngẩn ngơ, tự hào, thương cảm như nhau.

Cuộc sống của mình thời niên thiếu không di chuyển quá nhiều nơi để cảm nhận được cái đẹp của Sài Gòn. Quanh đi quẩn lại, con đường quen thuộc nhất chính là đi ra cổng nhà, đến trường, đến chỗ học thêm, rồi lại về nhà. Thế nên, ngày bước chân vào giảng đường Đại học, chuyển đến một quận mới với nhiều thứ xa lạ, mình cảm thấy cả một chân trời mở ra, Sài Gòn khi đó bao la và rộng lớn vô cùng.

Có lần, mình cùng những người bạn lang thang ra đường vào tối muộn. Mang trong mình tinh thần khám phá nhiệt tình, chúng mình hồ hởi đi khắp các con đường nội ô. Từ chi nhánh của trường ở Tôn Thất Đạm, quẹo chếch một chút để ra tới Hàm Nghi rồi xuôi theo đó thấy một Katinat gần 9 giờ đã vãng khách. Hết Hàm Nghi, không biết bắt đầu từ đâu nữa, chúng mình vòng ra Tôn Đức Thắng, chạy song song với con sông Sài Gòn bên tay phải, đến Công Trường Mê Linh thì băng qua vài con đường khác để ngược về phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Thật là rảnh!

Rồi tụi mình gửi xe ở một chỗ nào đó trên đường Tôn Thất Thiệp, lội bộ qua Nguyễn Huệ, cả đám hơn 10 đứa ngồi chơi Uno (phải ghép 2 bộ mới đủ) lúc 11 giờ đêm.

11 giờ đêm, chẳng một ai trên con đường này có vẻ là vội vàng để trở về cả. Ở phía này một toán người đàn hát xập xình những bài đang là xu hướng trên Youtube, ở phía khác lại có một nhóm đông tụ tập cười cười nói nói, kể chuyện trăng sao. Ở phía xa lại có rất nhiều bạn thanh niên đang chạy thi trên chiếc xe đứng bằng hai chân, ngả người về trước mà di chuyển (mà mình cũng không biết phải gọi là chiếc xe gì). Nghe đâu thuê vài chục nghìn được nửa tiếng. Rồi cứ cách tầm chục mét sẽ có một chiếc xe bán hàng xiên que, bắp xào, bánh tráng nướng… của các cô chú trung niên. Có chú giọng miền Nam, có cô giọng miền Bắc. Có người bán miền Trung nhưng giọng loa rao là miền Nam và cũng ngược lại. Mọi âm thanh và khung cảnh náo nhiệt đó lọt vào tâm thức của mình, rồi đọng lại rất lâu rất lâu đến tận sau này.

Sài Gòn về khuya không ngủ. Sài Gòn không ngủ không phải vì trong các câu chuyện kể, các dòng văn, lời thơ nói rằng nó không ngủ, mà vì nó thực sự không hề ngủ. Cả con đường Nguyễn Huệ mà chúng mình dừng chân, đi từ hướng My Life Coffee cho tới hướng UBND thành phố, hai bên đường chỉ thấp thoáng vài cửa hiệu đóng cửa, còn lại đều sáng đèn, nhộn nhịp vô cùng.

Nhưng cũng chính trong đêm đó, giữa Sài Gòn phồn hoa, mình bắt gặp hình ảnh những người lao động nghèo, những em bé vô gia cư và những cụ già không con cháu lần dò trong đêm để tìm cho mình một mái hiên trú lại. Họ giở những chiếc “cà men” ăn số cơm còn chừa lại từ buổi trưa, hoặc lấy ra một chiếc bánh mì để lâu ngoài không khí đã trở nên khô cứng, rồi dùng bữa tối như thế. Các em bé vẫn hồn nhiên cầm chiếc bát đi xin trên tay, đùa giỡn và đánh vào nhau, rượt nhau chạy, kêu la chí chóe. Giữa ánh đèn đường vàng vọt và ánh sáng hắt lại từ các tòa nhà, các khách sạn, cửa hàng to lớn, đối lập với đông đúc người vui chơi trên con phố Nguyễn Huệ, cuộc sống về đêm của những người khó khăn trở nên tĩnh lặng lạ thường. Mỗi ngày của họ kết thúc bằng một mái hiên, có thể ngày nay mái này, hôm sau đến muộn, đã có người giành, thì tìm mái khác.

Sài Gòn hoa lệ, có thể là xa hoa và diễm lệ, nhưng cũng có thể là rất nhiều xa hoa, và vô cùng đầy lệ.

Một lần khác, mình ra đường khi trời tịch mịch còn sương. Trái ngược với cảnh kẹt xe đặc sản mỗi giờ cao điểm hay tan tầm, Sài Gòn vào lúc 5 giờ sáng thoải mái cực kì. Không khí thì tươi mát và trong lành. Người xe thì thưa thớt, không có một tiếng còi inh ỏi nào. Băng băng qua các con phố, nhìn ngày mới bắt đầu với xe bún riêu, hủ tiếu của người phụ nữ, nhìn các chú các bác chạy bộ vươn vai trên đường, hóa ra, Sài Gòn cũng có những khoảnh khắc chậm rãi đến thế. Chỉ vài chục phút đến một tiếng nữa thôi, nó sẽ không còn bình lặng như vậy mà nhanh chóng hòa vào sự tấp nập, bận bịu mọi khi.

Mỗi ngày đi làm, mình đều gặp kẹt xe. Có lẽ kẹt xe là điểm xấu nhưng cũng là điểm riêng đậm chất Sài Gòn nhất. Hôm nào nhẹ nhàng thì kẹt xe nhưng vẫn có thể di chuyển từng chút từng chút. Hôm nào cực hơn thì một đoạn đường chưa tới 100m nhưng dừng không biết bao nhiêu lần đèn đỏ mới vượt qua được. Và hôm khổ nhất là trời vừa mưa, nước vừa dâng lấp xấp, vừa kẹt xe, vừa kèn inh ỏi, vừa khói bụi, vừa không thấy đường (vì mình mang kính 😦 ). Nhưng mà lạ thay, mình vẫn không khó chịu cho lắm về “sự kẹt xe” đó của Sài Gòn. Trong những lần dừng lại, mình chứng kiến rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Có hôm thì một bà mẹ la lối đứa con vì nó chỉ được hạng 5 trong lớp. Có hôm thì hai ông chú bàn nhau về việc trả tiền bữa cơm lần trước bị thiếu mà chẳng ai nhường ai. Lại có hôm mưa gió, mình bắt gặp chú kia dừng xe lại, mặc áo mưa cho mình và lấy ra một chiếc áo nhỏ khác cho em chó Phú Quốc chở đằng trước, tự nhiên thấy vui ơi là vui.

Vừa tan tầm, sắp kẹt xe mà còn mây đen vần vũ trên đầu, thật là một combo đau khổ. Hic hic.

Nhắc tới Sài Gòn mà không nhắc tới những chuyện như tủ bánh mì từ thiện, quán cơm chay hai nghìn, nước uống miễn phí, quần áo ai thiếu đến lấy ai thừa đến cho… thì thật thiếu sót. Nhưng những điều này đã được nhắc quá nhiều rồi, mình chỉ nhắc lại để khẳng định là, trừ những điều xấu xa, trừ những việc làm bất thiện, còn lại, mình yêu Sài Gòn trong từng ngóc ngách. Mỗi một khung cảnh, một mảnh đời, một câu chuyện, đều là thứ tạo nên Sài Gòn. Sài Gòn với mình không được điểm mặt đặt tên bởi những ai có cuốn hộ khẩu nơi đây, mà được tạo thành bởi rất nhiều mảnh ghép vui buồn như thế.

Mấy ngày nay, không khí lạnh tràn vào nơi đây, cây thông xanh với nhiều quả châu đỏ vàng trang trí được đặt khắp các trung tâm thương mại, các tòa nhà, cao ốc; người dân thì hồ hởi mua sắm, rủ nhau ra đường chụp ảnh, vui chơi; nhạc xuân mở khắp nơi, Giáng sinh đã về, và Tết cũng rục rịch, năm mới sắp sang rồi!

Sài Gòn thân thương!

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.